ĐƯỢC SÁNG LẬP BỞI BÁC SĨ, NHÀ GIÁO DỤC NGƯỜI Ý MARIA MONTESSORI (1870-1952), PHƯƠNG PHÁP MONTESSORI ĐÃ VÀ ĐANG ĐƯỢC ỨNG DỤNG THÀNH CÔNG TRÊN TOÀN THẾ GIỚI TRONG SUỐT HƠN 100 NĂM QUA. MONTESSORI LÀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC GIÚP TRẺ KHAI MỞ TIỀM NĂNG VÀ ƯƠM DƯỠNG NIỀM SAY MÊ HỌC TẬP THÔNG QUA CÁC GIÁO CỤ TRỰC QUAN, SINH ĐỘNG, TẠO NỀN TẢNG VỮNG CHẮC CHO TRẺ BƯỚC VÀO TƯƠNG LAI VỚI ĐẦY ĐỦ NĂNG LỰC VÀ PHẨM CHẤT.
Montessori là một phương pháp giáo dục hiện đại, khuyến khích giáo viên quan sát, hỗ trợ và giúp đỡ mỗi khi trẻ gặp khó khăn. Phương pháp giáo dục trong lớp học Montessori có sự khác biệt so với mô hình trường học truyền thống. Thay vì tập trung quá nhiều về mặt học thuật, phương pháp Montessori thể hiện sự tôn trọng và khuyến khích sự khác biệt cá nhân của mỗi đứa trẻ, hình thành môi trường lý tưởng và hài hòa để dạy trẻ các kỹ năng tương tác xã hội và trí tuệ cảm xúc. Phương pháp Montessori thường được áp dụng ở bậc mầm non để tập trung vào việc giáo dục sớm cho trẻ.
Phương pháp Montessori do Tiến sỹ Maria Montessori, một nhà giáo dục, đồng thời là bác sĩ người Ý sáng lập vào đầu thế kỷ 20. Phương pháp Montessori chấp nhận sự duy nhất của mỗi trẻ và cho phép trẻ phát triển tuỳ theo những khả năng riêng của mình và thời gian riêng của mình. Giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, quan sát lớp học để loại bỏ những trở ngại trong học tập nhưng không tham gia với tư cách là người dạy trực tiếp. Bài học do giáo viên đưa ra thường liên quan đến cách sử dụng hoặc chơi với các giáo cụ có tính chất định hướng giáo dục khác nhau trong lớp học.
Theo Tiến sĩ Montessori, mỗi đứa trẻ phát triển qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn là duy nhất và đòi hỏi một chiến lược giảng dạy hơi khác nhau. Giai đoạn đầu tiên xảy ra từ khi trẻ sinh ra đến sáu tuổi. Giai đoạn này đại diện cho thời gian khi trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ em tiếp thu ngôn ngữ và bắt đầu trải nghiệm thế giới lần đầu tiên. Nó bao gồm sự phát triển của bản ngã, khi đứa trẻ bắt đầu có ý thức phân biệt giữa bản thân và người khác. Giai đoạn thứ hai xảy ra trong độ tuổi từ sáu đến mười hai tuổi, trong đó trẻ bắt đầu phát triển năng lực tư duy độc lập và lý luận trừu tượng. Giai đoạn này được đánh dấu bởi mong muốn tương tác xã hội và cảm xúc với người khác. Giai đoạn cuối cùng trong sự phát triển là tuổi thiếu niên.
Thay vì hướng dẫn bằng các bài giảng mẫu, một giáo viên Montessori sẽ đưa ra những hướng dẫn, nhưng trẻ sẽ chịu trách nhiệm cho việc học cá nhân của mình. Lớp học thường được chia thành các góc (khu vực), mỗi góc được bố trí các giáo cụ nhằm hỗ trợ trẻ trong quá trình khám phá và học hỏi.
Một sự độc đáo thú vị khác đối với các lớp học Montessori là trộn độ tuổi. Thông thường, ở các trường truyền thống, trẻ em bị tách biệt bởi các lứa tuổi và cấp lớp, tương tác chủ yếu với trẻ em bằng tuổi của chúng. Một lớp học Montessori thường sẽ là một lớp học trộn độ tuổi, ví dụ, nhóm trẻ em trong độ tuổi từ ba đến sáu. Đây cũng là nguyên tắc quan trọng được nhà tâm lý học người Nga – Lev Vygotsky xây dựng như một phương pháp học tập xã hội được gọi là Vùng phát triển gần (Zone of Proximal Development – ZPD).
Các lĩnh vực trong phương pháp Montessori
Thực hành cuộc sống – Practical Life
Cảm quan – Sensorial
Ngôn ngữ – Language
Toán học – Mathematics
Văn hóa – Culture ; Khoa học – Science ; Lịch sử – History ; Địa lý – Geography ; Nghệ thuật – Arts ; Âm nhạc – Music
Những lợi ích chính của phương pháp Montessori
- Trẻ có khả năng phán đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, khả năng tư duy độc lập cao.
- Trẻ có khả năng tổng hợp các kiến thức chung, thực hiện tốt vai trò người chủ trì, lãnh đạo.
- Trẻ thực hiện thói quen, nề nếp sinh hoạt đúng giờ giấc, trật tự, kỷ luật.
- Trẻ có khả năng tập trung cao độ, tư duy nhanh nhậy, đặc biệt có khả năng tư duy toán học tốt.